Tổng thống Nga Valadimir Putin (giữa) bàn thảo với Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel về tình hình Ukraine. Ảnh: Reuters |
Theo CNN, tình hình chiến sự leo thang tại miền đông Ukraine được cho là nhân tố quan trọng khiến chính phủ Mỹ đang bước gần hơn tới khả năng tiến hành một cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" với Nga, điều mà Washington luôn muốn tránh kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh nổ ra. "Chiến tranh ủy nhiệm" thường được chỉ cuộc chiến do một cường quốc chủ mưu nhưng không trực tiếp tham gia.
Nguy cơ trên càng trở nên gần với hiện thực sau khi Mỹ đưa ra các cáo buộc nghiêm trọng rằng Nga gửi binh lính và xe tăng vượt biên giới tiến vào miền đông Ukraine, để hỗ trợ lực lượng ly khai tại đây. Tuy nhiên, Moscow cực lực phản đối các cáo buộc trên. Hiện nay, chính phủ của Tổng thống Barack Obama thậm chí còn tỏ ý đang tính đến khả năng trực tiếp cung cấp vũ khí phòng vệ cho Kiev.
Tại cuộc điều trần hôm 4/2, ông Ashton Carter, ứng viên được Obama đề cử cho chức bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, công khai tỏ thái độ ủng hộ kế hoạch trên. "Chúng ta cần phải hỗ trợ Ukraine trong việc bảo vệ chính bản thân mình", ông nói.
Các nhà phân tích cho rằng, một số nhà hoạch định chính sách tại Washington hy vọng thông qua việc giúp đỡ quân đội chính phủ Ukraine giành phần thắng tại chiến trường miền đông, sẽ gây sức ép buộc Tổng thống Putin phải nhượng bộ, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng kinh tế do các lệnh trường phạt của phương Tây.
"Họ muốn thông qua việc này để hai bên ngồi xuống đàm phán, từ đó đi đến đình chiến và buộc Tổng thống Putin phải dè dặt hơn nhằm tránh sự phản ứng ngược trong nước", Financial Times dẫn lời ông Thomas Graham, cựu chủ quản vấn đề Nga của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết. "Nhưng đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm".
Kế hoạch trên được cho là sẽ đẩy cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây vào một ngõ cụt khác với những nhân tố bất ổn không thể dự đoán trước, và cũng không thể giúp giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
"Điều này sẽ không giúp gì cho Ukraine, mà còn kéo dài sự thống khổ của quốc gia này. Và nó cũng sẽ khiến Mỹ bước gần thêm một bước nữa với cuộc đối đầu quân sự trực diện với Nga", ông Graham bình luận.
Cùng chung quan điểm trên, ông Eugene Rumer, cựu chuyên gia về Nga và châu Âu thuộc Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, cho rằng việc vũ trang cho quân đội Ukraine chỉ làm kéo dài hơn cuộc xung đột mà Kiev không thể nào giành phần thắng. "Cho đến nay, ông Putin chứng minh thái độ sẵn sàng bất chấp quan hệ căng thẳng với phương Tây, dù phải hứng chịu các hậu quả kinh tế do lệnh trừng phạt và giá dầu giảm", chuyên gia này cho hay.
Hiện nay, người dân Nga vẫn rất ủng hộ Tổng thống Putin. Kết quả một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Công chúng công bố hồi tháng 12/2014, 81% số người Nga được hỏi đều ủng hộ ông.
Khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong nước vẫn là quân bài đắc dụng mà ông chủ Điện Kremlin sẽ dùng nếu như Washington cung cấp vũ khí cho Kiev. Đây cũng là chiến thuật mà ông từng sử dụng để trấn an dư luận trong nước, khi quy kết trách nhiệm cho phương Tây trước những khó khăn kinh tế mà nước Nga đang đối diện.
"Không có dấu hiệu gì cho thấy người dân Nga không còn tin vào Điện Kremlin. Họ sẽ không bao giờ bỏ mặc ông Putin trong cuộc đối đầu với phương Tây", chuyên gia Rumer bình luận.
Nga cũng có các biện pháp trả đũa khác như gây trở ngại trên cuộc đàm phán hạt nhân Iran, vấn đề cần sự nhất trí của cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Moscow là một thành viên có quyền phủ quyết.
Các lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng khác cũng sẽ phải đối đầu với các yếu tố bất định. Mỹ phụ thuộc vào tên lửa của Nga nếu muốn ra vào Trạm Không gian Quốc tế (ISS), và phải bay qua không phận của Nga nếu muốn tiến vào Afghanistan. Cơ quan tình báo hai nước có cơ chế chia sẻ thông tin về các tổ chức khủng bố. Các chuyên gia Mỹ giúp Nga giải trừ vũ khí hạt nhân.
Đây là các sách lược ông chủ Điện Kremlin từng vận dụng khi căng thẳng song phương lên cao trào sau vụ sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014. Khi đó, trong vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran tại Geneva, các quan chức ngoại giao Nga ban đầu đe dọa ngăn cản công việc của các nhân viên điều tra Mỹ được quy định trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START mới) do Tổng thống Obama ký duyệt, nhưng sau đó lại thông báo một cách phi chính thức rằng công việc kiểm soát vẫn sẽ được tiến hành.
Phương Tây bất đồng nội bộ
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) phản đối kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ảnh: Reuters |
Kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng không nhận được sự đồng thuận trong nội bộ các nước phương Tây. Pháp và Đức, hai nước chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) công khai phản đối kế hoạch trên.
"Sự tiến bộ mà Ukraine cần không thể đạt được bằng nhiều loại vũ khí hơn", Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết. Bà cho rằng các viện trợ quân sự cho Kiev là nguy hiểm, đồng thời kêu gọi các nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Nga và lực lượng ly khai chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn.
Ngày 6/2, Thủ tướng Merkel cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có chuyến công du chớp nhoáng đến Moscow để bàn thảo với Tổng thống Putin về tình Ukraine. Ba nhà lãnh đạo đã họp thâu đêm suốt gần 5 tiếng đồng hồ, mà kết quả được một số quan chức của các bên miêu tả là "thực chất và mang tính xây dựng".
Tại Hội nghị Munich, Thủ tướng Merkel không đề cập đến việc cuộc hội đàm ba bên có đạt được tiến bộ nào hay không, nhưng khẳng định các biện pháp quân sự sẽ khiến thêm nhiều người thiệt mạng và dẫn đến các hậu quả mà phương Tây không mong muốn.
Bà cũng cho rằng tiếp tục các lệnh trừng phạt trong thời gian dài có lẽ là chiến lược tốt nhất. Tuy nhiên, nữ thủ tướng Đức cũng thừa nhận điều này chưa chắc sẽ có kết quả. "Chúng ta không thể đảm bảo rằng Tổng thống Putin sẽ làm những gì mà chúng ta muốn", bà Merkel nói.
Trong khi đó, một số quan chức Mỹ tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của chiến lược trên. "Tôi không cho rằng chúng ta biết được khả năng thành công của nỗ lực này là bao nhiêu", New York Times dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine, Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân sự của Thượng viện Mỹ, cho rằng Tổng thống Putin sẽ không dừng lại nếu như phương Tây không tăng cường hỗ trợ cho Kiev. "Tôi có thể đảm bảo rằng ông ấy sẽ không bao giờ dừng lại nếu không phải trả một cái giá đắt hơn", chính trị gia này nói.
Các nhà phân tích nhận định bất đồng trong cách tiếp cận giữa Mỹ và các nước đồng minh chủ chốt trong EU sẽ làm giảm khả năng phương Tây đưa ra được một chiến lược thống nhất và hiệu quả trong việc thuyết phục Nga quay lại thỏa thuận ngừng bắn ký tại Belarus hồi tháng 9/2014.
Trong khi đó, phương Tây tỏ ra rất dè dặt trong việc cung cấp các gói viện trợ kinh tế cho Ukraine. Washington hứa cho Kiev vay 3 tỷ USD, nhưng cũng không thể đủ cho tiến trình tái thiết quốc gia Đông Âu này. " Kế hoạch tăng cường viện trợ quân sự sẽ chỉ càng làm phân tán hơn nữa nhiệm vụ then chốt này", chuyên gia Thomas Graham kết luận.
Đức Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét