Người dân Jordan hôm 5/2 tuần hành phản đối hành vi thiêu sống viên phi công Moaz al-Kasaesbeh và thể hiện sự ủng hộ với vua Abdulla. Ảnh: Reuters |
Đáp lại hành động thiêu sống man rợ viên phi công Moaz al-Kasaesbeh, Đại tá Mamdouh al-Ameri, người phát ngôn quân đội Jordan, tuyên bố sẽ trừng phạt "long trời lở đất" đối với Nhà nước Hồi giáo (IS). Jordan hôm 4/2 tử hình hai tù nhân liên quan đến tổ chức này, trong đó có nữ binh đánh bom khủng bố al-Qaeda Sajida al-Rishawi, đồng thời tiến hành không kích dữ dội nhóm khủng bố ngay ngày hôm sau. IS từng yêu cầu đổi mạng al-Kasaesbeh lấy tự do cho al-Rishawi.
Andreas Krieg, giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Hoàng gia London, trụ sở Qatar, nhận định "phản ứng của Jordan trước việc IS hành quyết viên phi công thuần túy là một hành động trả thù. Nó được kích động bởi cảm xúc giận dữ thay vì mong muốn thực thi công lý".
Dù nhận được nhiều sự đồng tình từ phía dân chúng nhưng theo các chuyên gia khủng bố vùng Trung Đông, động thái trả đũa này có khả năng chính là phản ứng mà IS mong muốn, khiến căng thẳng tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thêm vào đó, việc hành quyết thành viên của chúng sẽ chỉ gây ra những cuộc tấn công đáp trả nối tiếp, điều mà Jordan, quốc gia đang phải chịu nhiều áp lực, nên tránh.
Trước vụ việc viên phi công bị thiêu sống, khá nhiều người dân Jordan vẫn ủng hộ IS. "Họ từng có lúc tin rằng tổ chức khủng bố đại diện cho một cách sống của người Hồi giáo và giúp họ thay đổi số phận", ông Emad Issayed, người đứng đầu hội đồng khu dân cư nghèo Hussein, cho hay.
Vị trí các quốc gia Jordan, Syria và Iraq. Đồ họa: BBC |
Những vấn đề nhức nhối tồn tại trong thời gian dài, ví như tình trạng thất nghiệp, là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định của Jordan. "Nghèo đói, cảm giác bị cô lập và xa rời guồng quay phát triển của xã hội đang lan tràn trong giới trẻ", Sultan Barakat, chuyên gia tại Trung tâm Brookings Doha, nói.
Theo AP, sự tức giận đối với IS trong một số nhóm người tại thời điểm này cuối cùng có thể lại biến thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cực đoan phát triển nếu giao tranh giữa chính quyền và nhóm khủng bố kéo dài dai dẳng, làm trì trệ nền kinh tế, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.
"Về cốt lõi, IS vẫn hoạt động bình thường mà không hề bị tổn hại gì. Hành quyết một vài thành viên của al-Qaeda có ít mối liên quan đến IS không thể làm thay đổi cục diện tình hình", ông Krieg nói. "Việc tiến hành dội bom nhóm cực đoan cũng vậy. Jordan đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi cho phép sự tức giận và hận thù thắng thế trước công lý".
Ông Krieg phản đối cuộc không kích mới nhất nhằm vào nhóm khủng bố vì cho rằng nó sẽ "chẳng đi đến đâu" bởi Jordan còn quá yếu. Theo ông, vị thế chính trị của họ quan trọng hơn nhiều. Nếu Jordan có thể chặn đứng các tuyến cung cấp hàng lậu tới Syria thông qua nước này thì sẽ đem lại hiệu quả rất lớn.
"Tôi không nghĩ các cuộc không kích của chúng ta có thể tạo ra khác biệt. Đó là sự can thiệp mang tính biểu tượng nhưng hậu quả thì khôn lường. Tiến hành dội bom chẳng thể đem lại chiến thắng trước những tổ chức bán quân sự như IS", giáo sư Labib Kamhawi, nhà phân tích chính trị người Jordan, bình luận trên một đài phát thanh của BBC, lặp lại ý mà nhiều chuyên gia khủng bố từng nhận định về tính hiệu quả của các chiến dịch không kích.
Âm mưu của IS
Các tay súng Nhà nước Hồi giáo trong đoạn video thiêu sống viên phi công Jordan. Ảnh: Mpc Mena |
IS giết hại al-Kasaesbeh sau nhiều tuần dọa dẫm và đưa ra yêu sách với chính quyền Jordan. Theo giáo sư Natasha Underhill, giảng viên cao cấp tại Đại học Nottingham Trent, IS chỉ tìm cách "kích động chính quyền Jordan" thông qua quá trình thương thuyết. "Tất cả đều là chiến lược của nhóm này", Daily Express dẫn lời bà nói.
"IS là bậc thầy về gieo rắc nỗi sợ hãi...ta không thể khẳng định liệu chúng có thật sự muốn cứu nữ binh khủng bố al-Rishawi hay không. Có lẽ mục tiêu cuối cùng của chúng lại chính là hành động trả thù này của Jordan", bà đánh giá. "Vì có những bằng chứng cho thấy al-Kasaesbeh đã bị giết từ một tháng trước nên chắc chắn phải có lý do nào đó phía sau việc IS tung những đoạn video chặt đầu hai nhà báo Nhật và sắp đặt quá trình đàm phán liên quan tới viên phi công".
Bà Underhill nhận xét việc chính quyền Jordan phản ứng bằng cách hành quyết hai tù nhân bị cáo buộc có liên quan đến khủng bố là một "hành vi tiêu cực" đồng thời cho rằng chúng chỉ góp phần giúp cho chiến dịch tuyên truyền của IS được đẩy mạnh hơn.
"Treo cổ tù nhân chỉ đơn giản nhằm đáp trả hay trừng phạt không phải là cách để đối phó với các tổ chức như IS, những kẻ đã quá thành thạo trong việc lợi dụng nỗi sợ hãi và sự tàn độc để quảng bá hình ảnh. Nay chúng sẽ dùng chính điều này để tìm kiếm thêm sự ủng hộ", bà cho biết thêm.
Theo Jerusalem Post, IS không bao giờ xem nhẹ những cuộc tấn công của các quốc gia Hồi giáo nhằm vào tổ chức. Nhóm này hôm 4/2 treo thưởng cho bất kỳ ai có thể giết hay làm bị thương những phi công người Jordan, Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông (MEMRI) cho biết.
Tài khoản Twitter của một nhánh thuộc IS cũng đăng tải đoạn văn bản với nội dung tương tự. Trong đó, chúng còn liệt kê tên tuổi, địa chỉ, cấp bậc, nghề nghiệp của 52 phi công Jordan.
Ala Alrababah, chuyên gia về Jordan hiện sống tại Washington, suy đoán IS sẽ thực hiện các hành vi trả đũa, cho dù chúng không thể xâm nhập vào lãnh thổ Jordan như đối với Iraq hay Syria. Nhiều khả năng chúng sẽ tiến hành các cuộc đánh bom từ bên trong Jordan, lợi dụng những phần tử cực đoan cảm tình với IS đang ẩn náu ở nước này.
Theo ông Ebrahim Moosa, giáo sư về Hồi giáo tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế thuộc Đại học Noctre Dame, Jordan không cần thiết phải làm theo những hành vi dã man của IS, bất chấp việc họ phẫn nộ ra sao. Tấn công IS với danh nghĩa để đáp trả là một chiến lược tồi tệ sẽ dấn tới hậu quả lâu dài.
"Vua Abdulla và liên minh chống IS đừng nên rơi vào cái bẫy của đối phương", ông Moosa nói. "Jordan và quân liên minh không những sẽ đánh mất giá trị đạo đức của bản thân nếu thực hiện các hành động trả thù mà còn có nguy cơ bị lôi kéo vào mưu đồ của IS nhằm dụ dỗ họ gửi quân đến những vùng lãnh thổ của chúng ở Iraq và Syria, một đầm lầy chết chóc".
Hình ảnh của Moaz al-Kasasbeh trong đoạn video IS công bố hôm 3/2. Ảnh: New York Times |
Vũ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét