Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Ông Tập quyết truy quét tướng tham ô trong năm 2015

19059948-201412051456023093170-7620-8226

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một hội nghị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Ngày 14/1, Trung Quốc tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ 5 Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra Trung ương. Theo BBC, số lượng đại biểu quân đội tham gia hội nghị đông hơn nhiều so với thông lệ, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng tham nhũng trong lực lượng vũ trang nước này.

Phát biểu trên hội nghị, Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho biết "cần nghiêm khắc chấn chỉnh đảng, dốc toàn lực tiến hành đấu tranh với tệ nạn tham nhũng trong quân đội".

Một ngày sau, quân đội nước này có động thái hiếm hoi với việc công bố danh sách 16 tướng lĩnh cấp cao bị điều tra trong năm 2014. Danh sách trên cho thấy, các tướng tham nhũng bị công bố rải rác tại khắp các tổng cục, quân chủng, quân khu và các nhà trường trực thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Trong đó có 11 tướng bị điều tra khi đang tại chức. Ba trường hợp được chính thức chứng thực thông tin bị điều tra, là các trung tướng Lưu Tranh, Phạm Trường Bí và Vu Đại Thanh.

Trước khi được chính thức công khai, danh sách trên được thông báo rộng rãi trong quân đội Trung Quốc, từ cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương đến cấp liên đội. "Trong năm 2014, những lần thông báo như thế này diễn ra rất nhiều lần", Thiếu tướng Vu Bản Thành, nguyên phó chính ủy Tổng cục Trang bị, cho hay.

Giới quan sát nhận định rằng, động thái trên cho thấy chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2015. "Đây là một phần kết quả của chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội năm qua, và là khởi đầu mới cho năm 2015", bình luận viên Trần Bảo Thành của tờ Caixin cho biết.

Ông Tập được cho là muốn chấn chỉnh quân đội Trung Quốc từ một tập đoàn lợi ích nơi nạn tham nhũng hoành hành trong nhiều năm qua, trở thành một đội quân tinh nhuệ có thể thực hiện các mục tiêu quân sự ngoài nước và đảm bảo ổn định chính trị trong nước. "Chủ tịch Tập Cận Bình buộc phải tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng lớn, bởi vấn nạn này đang ăn mòn tinh thần của quân đội", chuyên gia quân sự Antony Wong Dong bình luận. 

Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 120 năm Chiến tranh Trung - Nhật (1894), Thượng tướng Lưu Á Châu, chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố: "120 năm sau, khi tham nhũng và sự xơ cứng một lần nữa ăn mòn quốc gia và quân đội, thì chúng ta lại sẽ nhìn thấy bóng đen của năm 1894". Tướng Lưu là con rể của cố chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, và được cho là có mối quan hệ mật thiết với Chủ tịch Tập.

Khác với người tiền nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình có lợi thế hơn trong việc thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội, bởi những mối quan hệ cá nhân sâu sắc với giới quân sự. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1979, ông Tập từng là thư ký riêng cho ông Cảnh Biểu, nguyên tổng thư ký Quân ủy Trung ương.  

Cha của ông, cố phó thủ tướng Tập Trọng Huân từng là một chỉ huy quân sự trong thời kỳ cách mạng. Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện, nữ thiếu tướng, từng là trưởng đoàn ca múa nhạc thuộc Tổng cục Chính trị.

Tảng băng chìm

BN-DM067-0630CM-G-201406300659-3311-1417

Việc điều tra tướng Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, là bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, danh sách 16 tướng công bố gần đây được cho chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng trong quân đội Trung Quốc. Từ sau thập niên 80 thế kỷ 20, cùng với công cuộc cải cách mở cửa, quân đội được phép kinh doanh, nhằm giải quyết vấn đề tài chính phục vụ cho việc hiện đại hóa quân đội và phúc lợi cho quân nhân. 

Đây được cho là ngọn nguồn của vấn nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc. Một loạt hiện tượng tiêu cực như buôn lậu, tham nhũng, mua quan bán tước liên tục xuất hiện. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực mà vấn đề tham nhũng tồn tại nghiêm trọng nhất. Một quan chức giấu tên cho hay, để lách quy định hạn chế diện tích xây dựng, các tướng lĩnh phụ trách ra lệnh xây mỗi tầng nhà cao gấp đôi bình thường. "Làm vậy thì họ có thể xây thêm một tầng nữa", người này nói.

Đây là lĩnh vực mà tướng Cốc Tuấn Sơn và Lưu Tranh từng phụ trách trước khi bị điều tra. Cốc và gia đình đã tích lũy được hàng chục bất động sản đắt tiền trên đường vành đai hai ở khu vực nội thành thủ đô Bắc Kinh. Khi lục soát biệt thự của tướng này ở quê, các điều tra viên thu được nhiều đồ vật bằng vàng ròng và vô số rượu quý. Tổng lượng hàng xa xỉ đủ chất đầy 4 xe tải. Cốc bị điều tra năm 2012 và đây là một phần của quá trình điều tra cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu.

Mua quan bán tước trong quân đội Trung Quốc cũng được cho là tình trạng phổ biến. New York Times dẫn nguồn tin nội bộ cho hay quân hàm thiếu tướng từng được định giá hàng trăm ngàn USD. "Đề bạt cán bộ đều có quy trình nghiêm chỉnh, nhưng tại một số đơn vị, lãnh đạo có thể lật ngược kết quả thẩm tra", Thiếu tướng Vu Bản Thành cho biết. "Hiện tượng này chiếm một tỷ lệ không nhỏ".

Tướng Vu cũng cho hay, trước đây, việc điều tra tham nhũng trong quân đội không hiệu quả, chủ yếu dựa vào manh mối từ các vụ án đã điều tra hoặc thư tố giác. Tuy nhiên, quy định ngầm là phải đảm bảo ổn định trong quân và giữ thể diện cho lãnh đạo được đặt lên hàng đầu. "Trừ phi là đơn tố giác công khai, có căn cứ rõ ràng, không thể bao che được, thì mới xử lý một vài vụ", ông nói.

Tuy nhiên, việc cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị điều tra được cho là bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập trong quân đội. Ông Từ là tướng lĩnh cao cấp nhất bị điều tra tham nhũng trong lịch sử quân đội Trung Quốc.

Giáo sư Công Phương Bân thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho biết, trung ương đã định ra quy trình và nguyên tắc mới trong điều tra tham nhũng trong quân đội. "Đến Từ Tài Hậu mà còn bị hạ bệ, thì còn có ai không được phép động đến nữa", chuyên gia này kết luận.

Đức Dương

 

Source : vnexpress[dot]net
post from sitemap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét