Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

‘Nhờn’ khẩu hiệu

Ban An toàn Giao thông Bình Định cho rằng, đây là khẩu hiệu độc đáo vì nó có thể khiến người tham gia giao thông cảm thấy tự ái mà có ý thức hơn trong việc tuân thủ luật. Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông Bình Định lý giải: “Chúng ta cần phải biết rằng 90% vụ tai nạn có nguyên nhân từ ý thức của người tham gia giao thông, khẩu hiệu này muốn tác động trực tiếp vào ý thức đó… Những câu khẩu hiệu như thường thấy thì đã không hiệu quả, không đủ tính giáo dục, dạng như người ta bị nhờn thuốc rồi. Phải có gì đó thay đổi, tác động trực tiếp, quyết liệt thì mới có hiệu quả”.

Mong muốn đó đã không đạt được vì nó đánh trúng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của xã hội - trình độ học vấn. Chính vì vậy, từ mục đích tốt đẹp ban đầu là tuyên truyền giáo dục, việc làm trên bị coi là hành động phản cảm, xúc phạm đối với cộng đồng.

Thế nhưng, có một thực trạng mà theo tôi, ông Phó Chánh Văn phòng đã gọi tên đúng, đó là chuyện “nhờn khẩu hiệu”. Nhiều người cho rằng, Việt Nam là đất nước của khẩu hiệu vì bất cứ đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp những băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu. Trong ngành giao thông, các khẩu hiệu cũng được treo khắp đường lớn, phố nhỏ. Nhưng theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tại một hội nghị cuối tháng 12 vừa qua, năm 2014, tai nạn giao thông đã khiến gần 9.000 người tử vong, trong đó, 62% tai nạn do quá tốc độ và vượt ẩu - những nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức kém của người tham gia giao thông.

Mới đây, tờ Huffington Post đăng bài viết của một nhà báo Mỹ từng nhiều lần đến Việt Nam - Llewellyn King. Bài viết ví giao thông Việt Nam như một kỳ quan của thế giới. “Tôi hoàn toàn bị ấn tượng bởi giao thông - một trong những kỳ quan thế giới, theo tôi. Là kỳ quan không phải vì, giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, nó khủng khiếp; mà vì nó vận động theo một cách thật đáng kinh ngạc. Người và xe cứ trôi mà chẳng theo một hệ thống gì. Dòng xe lưu thông trên đường trông như một đàn kiến, lộn xộn một cách nhẫn nại. Nguyên tắc duy nhất tồn tại trên đường là đi bên phải, còn lại là ngẫu hứng. Và đó là cách hàng triệu người di chuyển mỗi ngày”.

Những con số đau lòng và nhận xét của một “người ngoài” trên khiến tôi tự hỏi, liệu việc giáo dục bằng khẩu hiệu có thực sự hiệu quả, có thực sự tác động đến ý thức của người tiếp nhận?

Thành phố Biên Hoà (Đồng Nai), nơi tôi sinh sống, mặc dù có rất ít khẩu hiệu về giao thông trên đường, ý thức tuân thủ luật của người dân rất tốt. Điều này có được là nhờ sự quan tâm rất lớn từ phía các nhà quản lý giao thông. Ngoài việc giáo dục về Luật Giao thông tại các cơ quan, trường học, xí nghiệp cũng như sự tuần tra kiểm soát thường xuyên của các lực lượng chức năng, việc đầu tư hệ thống camera giám sát đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện và nâng cao ý thức tuân thủ luật của người dân nơi đây.

Sau ba tháng thử nghiệm, hệ thống camera giám sát giao thông ở thành phố Biên Hoà chính thức được đưa vào vận hành từ tháng 9/2014. Với hệ thống camera này, mọi hành vi vi phạm sẽ được ghi nhận và xử lý trực tiếp thông qua lực lượng cảnh sát giao thông trên đường hoặc phạt “nguội”, gửi giấy báo vi phạm đến tận nhà. Vì vậy, nếu sống ở đây, bạn sẽ cảm thấy không có gì bất ngờ khi một ngày nào đó, công an khu vực đến gõ cửa nhà bạn và trao cho bạn tờ biên bản vi phạm giao thông.

Từ khi có hệ thống camera này, tôi nhận thấy hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, vượt đèn đỏ giảm hẳn. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông ở thành phố Biên Hoà nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung luôn xử lý rất nghiêm đối với mọi hành vi vi phạm. Tôi từng hỏi nhiều tài xế về vấn đề này và họ cho rằng phải rất cẩn thận khi chạy xe qua địa phận Đồng Nai vì nếu chẳng may bị phạt thì cơ hội xin xỏ gần như bằng không.

Cách làm của các nhà quản lý giao thông ở Biên Hoà cho thấy, việc sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại có thể coi là một trong những biện pháp hữu hiệu, có tính răn đe hơn là hô hào bằng khẩu hiệu. Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông cũng đóng vai trò quan trọng bởi sự nghiêm minh của lực lượng này có tác động không nhỏ trong việc nâng cao ý thức chấp hành cho người dân.

Tôi nghĩ, ít nhất, đó là hai điều mà các nhà quản lý giao thông ở Việt Nam cần triển khai thay cho việc đầu tư vào những khẩu hiệu mà người dân “đọc mãi đã nhờn”.

Trần Thông

Source : vnexpress[dot]net
post from sitemap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét