Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Những trường nghề được học viên yêu thích

Đóng trên địa bàn Hà Nội, nơi có hàng trăm trường đại học, cao đẳng, Trung cấp Dược Hà Nội thu hút mỗi năm khoảng 2.000 học viên. Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết, nhận thấy yêu cầu của thực tế cần tính chuyên môn sâu, thay vì đào tạo nhiều mã ngành cùng lúc, Trung cấp Dược Hà Nội chỉ tập trung đào tạo ngành Dược sĩ trung cấp.

"Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa nhà trường với hầu hết cơ sở đào tạo nhân lực y tế. Định hướng đó giúp trường có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm chuyên ngành, hệ thống cơ sở thực hành, thực tập ngoài trường và đội ngũ giáo viên có chất lượng cao", ông Minh nói.

Với chủ trương đào tạo tay nghề chứ không phải lý thuyết hàn lâm, chương trình đào tạo của trường được thiết kế theo hướng chú trọng kỹ năng hành nghề. Các giáo viên giảng dạy cũng đòi hỏi kinh nghiệm làm nghề phong phú, ưu tiên tuyển dụng hoặc mời các cán bộ y tế có tay nghề để cập nhật kiến thức, kỹ năng hành nghề mới nhất, thực tế nhất. Việc tổ chức học tập ngoài trường cho học sinh cũng được Trung cấp Dược Hà Nội chú trọng.

"Bằng những việc làm trên, tỷ lệ học sinh của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm khá cao. Nhiều em khẳng định được năng lực của mình ở các vị trí quản lý. Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường cũng rất coi trọng hoạt động kết nối doanh nghiệp để xúc tiến tìm việc làm cho học sinh", Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung cấp Dược Hà Nội nói.

arena-multimedia-7774-1420814547.jpg

Với bề dày 10 năm, đào tạo ngành nghề phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường,  Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia là địa chỉ được nhiều học viên tìm tới. Ảnh: Arena Multimedia.

Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia cũng là địa chỉ thu hút học viên với 700 người học ở cả hai miền mỗi năm. Ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc nhà trường cho biết, chương trình đào tạo của trường với 4 học kỳ về thiết kế đồ họa, thiết kế website, làm phim - kỹ xảo và công nghệ 3D trong 2 năm càng lúc càng chứng minh tính tiên phong và phù hợp với xu hướng thị trường. Bằng chứng là trước đây nghề thiết kế khá lạ lẫm và hiếm trường đào tạo, nhưng bây giờ hầu như chẳng công ty nào tồn tại được nếu không có thiết kế. 

"Nhiều trường đại học nắm bắt nhu cầu thị trường đã mở ngành đào tạo đa phương tiện, nhưng chỉ dừng ở thiết kế đồ họa. Trong khi đó từ suốt 10 năm qua, Arena Multimedia đã đào tạo toàn diện cả kỹ năng: thiết kế website, làm phim-kỹ xảo và công nghệ 3D. Học viên Arena với quan điểm đào tạo nghề, được học và phải thực hiện các công việc cụ thể như: thiết kế một poster, card, làm được clip 3D… Do đó, kết thúc 4 học kỳ, họ có thể làm được tất cả công việc về Multimedia mà thị trường yêu cầu", ông Dũng nói.

Giám đốc trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia cho biết thêm, 40% học viên của trường là sinh viên các đại học khác, 40% là học sinh cấp 3 đi lên và 20% là người đã đi làm 1-3 năm. 70-80% học viên của trường này sau khi tốt nghiệp đã có việc làm. Một số em còn trở thành nhân sự thiết kế đồ họa cho những công ty lớn như: LG Electronics, Đài truyền hình Việt Nam, doanh nghiệp của Mỹ, Đức...

Nhận xét về học viên của Arena Multimedia, bà Trần Thị Thà, Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty Cổ phần Karofi Việt Nam nói: "Bản CV xin việc của các học viên Arena rất ấn tượng, đều làm theo kiểu đồ họa, có nhiều hình ảnh sản phẩm họ đã làm, chứ không phải toàn chữ theo mẫu thông thường như các ứng viên thiết kế đến từ trường khác. Điều đó giúp chúng tôi chọn lựa dễ dàng nhân lực hơn". Hiện học viên Arena Multimedia là một trong 3 thiết kế chính của công ty Karofi Việt Nam, được đánh giá cao về năng lực, sự sáng tạo, chủ động trong công việc.

cao-dang-viet-duc-2542-1420814547.jpg

Học viên Cao đẳng nghề Việt Đức trong giờ thực hành môn Chế tạo máy. Ảnh:  Đức Hùng.

Tại Hà Tĩnh, trong khi hầu hết trường nghề vắng học sinh thì Cao đẳng nghề Việt Đức mỗi khóa trung bình tuyển 800 sinh viên, ngoài ra còn có 3.000 học viên cấp chứng chỉ sơ cấp (học 3 tháng). “Năm học vừa rồi, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn có 760 em nộp đơn vào trường. Năm nay trường còn đào tạo 64 học sinh Lào, đây là một bước tiến”, TS Đặng Minh Ất, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Theo thầy Ất, nhờ được Chính phủ Đức tài trợ 7 triệu USD nên hệ thống cơ sở vật chất của trường khá hiện đại. Toàn trường hiện có 148 giáo viên, trong đó có trên 60 thạc sĩ chuyên ngành công nghệ thông tin, điện. Dù là trường nghề, nhưng việc đào tạo không dễ dãi, quá trình đào thải rất gắt gao. Mỗi khóa học có khoảng 800 học viên, nhưng tới khi tốt nghiệp chỉ khoảng 700 em.

"Số học viên giảm là do các em không đủ điểm để thi tốt nghiệp nên bị loại. Hoặc một số em khi học thấy khó, không tiếp thu được nên đã xin nghỉ", thầy Ất giải thích và cho rằng chính vì việc đào tạo nghiêm túc nên đa số sinh viên ra trường có việc làm.

Giải thích lý do chọn trường nghề, học viên Trần Đình Long, lớp Cao đẳng điện chia sẻ, trượt đại học em dự định đi nước ngoài. Một số anh chị khuyên em nộp hồ sơ vào trường nghề, vì đầu ra đảm bảo, hơn nữa nếu học rồi đi xuất khẩu lao động sẽ được trọng dụng. “Thấy một số anh chị khóa trước khi học xong đã vào làm ở một số nhà máy cơ khí, có người thì về tự mở xưởng gò, hàn… nên em nghĩ nếu cố gắng tiếp thu tốt sẽ không phí công sức bỏ ra”, Long nói.

Quỳnh Trang - Đức Hùng

Source : vnexpress[dot]net
post from sitemap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét