Sự kết hợp này đã được người xưa đúc kết cả trong câu đối "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", ý nói đó là những thứ luôn đi kèm với nhau, cùng “góp mặt” trong những ngày Tết.
Mâm cơm truyền thống của người Việt trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc
Trong đời sống tinh thần của người Việt, Tết Nguyên Đán là khởi đầu cho một năm mới, vận hội mới của gia đình, cộng đồng và cả dân tộc. Thế nên gia đình dù còn khó khăn, người ta vẫn gắng sắm sửa mâm cỗ Tết thịnh soạn để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, học hành tấn tới, làm ăn phát tài phát lộc.
Ngày nay do cuộc sống bận rộn, phần lớn các gia đình đều làm giản tiện, rất ít người nấu đủ mâm cỗ như xưa. Tuỳ theo mỗi gia đình mà người ta chuẩn bị những món khác nhau, nhưng không thể thiếu các món chính như: bánh chưng, dưa hành, dưa kiệu, giò lụa, giò thủ, nem, nộm su hào, canh bóng bì, canh măng chân giò, miến nấu và một đĩa xào… để mâm cỗ ngày Tết luôn trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên, may mắn.
Nhìn qua, có vẻ cách muối dưa hành, dưa kiệu đơn giản, nhưng thật sự cầu kỳ và đòi hỏi sự khéo léo. Nếu chị em không chú ý rất có thể sẽ bị hỏng mẻ dưa đang muối.
Sau đây là một số cách muối dưa hành để chị em tham khảo. Đảm bảo nếu tuân thủ đủ các bước sau, chị em sẽ thành công trong việc chuẩn bị dưa hành cho ngày lễ Tết.
Muối dưa hành
Chuẩn bị nguyên liệu:
Tùy số người trong gia đình mà bạn chọn lượng hành muối nhiều hay ít. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm với tỷ lệ vừa cho khoảng 5 người trong gia đình.
- 1 kg hành củ (Chọn hành tía là ngon nhất hoặc hành trắng, củ đều thì sẽ ngọt, giòn)
- Đường
- Muối
- Gừng
- Ớt
Củ hành
Thực hiện:
- Ngay sau khi mua hành về, bạn ngâm hành vào nước gạo trong khoảng vài tiếng đến vài ngày cho phai bớt vị hăng. Đây cũng là cách giúp bụi ra bớt, lớp vỏ bên ngoài tự bong, khi rửa đất bám gốc hành cũng ra bớt.
- Sau đó, vớt hành ra, bóc lớp vỏ khô bên ngoài, cắt bớt rễ, để lại gốc hành để tránh bị nhũn, ủng. Để hành khô ráo nước.
- Cho hành vào lọ thủy tinh cùng khoảng 200g muối, xóc đều và để trong khoảng 2-3 ngày. Chú ý: Thỉnh thoảng xóc đều lọ để hành ra bớt nước đen.
- Sau đó, đổ hành ra rổ, để ráo nước. Lúc này phần nước đen đã ráo hết, khi muối hành nước sẽ trong và thơm.
- Gừng rửa sạch, cạo vỏ, đập dập. Ớt bỏ hạt cắt lát.
- Pha đường với nước ấm cùng chút muối rồi đổ vào lọ, nếm thử cho vừa độ mặn ngọt. Tiếp tục đổ hành và gừng, ớt vào đảo đều. Chú ý: Lượng nước phải ngập hành.
Dưa hành
Đậy kín lọ, để trong khoảng 7-10 ngày là bạn đã có thể lấy hành ra để cùng cả nhà thưởng thức được. Vị cay cay, thanh thanh của hành sẽ khiến cả gia đình cảm nhận được hương vị Tết đậm đà.
Muối dưa kiệu
Cũng như dưa hành, dưa kiệu có vị chua chua, giòn giòn chắc chắn sẽ là món ăn kèm chống ngán rất tuyệt cho dịp Tết.
Có nhiều cách làm dưa kiệu, mời các bạn thử một cách ướp dưa kiệu với đường cho lên men tự nhiên không cần dùng giấm nhé!
Nguyên liệu:
- 1 kg kiệu
- Canh muối hột
- Cà phê phèn chua
- Giấm trắng
- Đường
Cách làm:
- Ngâm kiệu trong nước pha muối hột 12 giờ (mình thường ngâm buổi tối đến sáng). Sau đó, xả lại nhiều lần.
- Pha nước phèn chua ngâm kiệu đã xả, đem thau kiệu phơi 1 nắng. Trải kiệu ra mặt khay hay rổ, phơi một nắng cho ráo.
- Cắt rễ, ngọn, lột vỏ (còn khoảng 800g).
- Rửa qua nước cho sạch bụi, để ráo.
- Chuẩn bị một chén giấm cho vài củ kiệu vào rửa kiệu qua giấm, vớt ra. Làm lần lượt cho hết kiệu. Cho kiệu vào âu lớn, ướp một lớp đường, một lớp kiệu, lại một lớp đường, một lớp kiệu cho đến hết, đậy lại, thỉnh thoảng đảo đều, đợi kiệu ra nước, tự lên men. Khoảng 2 ngày sau kiệu bắt đầu có nước và đường tan hết.
- Lúc này sắp kiệu vào lọ thủy tinh có bắp đậy cho đẹp. Chừng hơn 2 tuần là dưa kiệu chua vừa ăn.
Tùy độ chua của giấm mà gia giảm đường. Mình sử dụng giấm nuôi, không sử dụng giấm gạo nên độ chua vừa phải, giấm gạo để lâu dưa kiệu sẽ bị vàng.
Chúc bạn thực hiện thành công món dưa hành, dưa kiệu ngọt giòn này nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét